Kỳ sinh hoạt tháng 6/2021 của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc - Giải pháp triển khai kiểm toán nội bộ
Kỳ sinh hoạt tháng 6/2021 của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc - Giải pháp triển khai kiểm toán nội bộ
Với mong muốn đưa ra một bức tranh tổng quát về kiểm toán nội bộ (KTNB) để các doanh nghiệp (DN) có thể định hướng được việc thành lập và vận hành một chức năng KTNB, ngày 1/6/2021, Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc phối hợp với Bộ Tài chính và ACCA tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải pháp triển khai KTNB ” nhằm giúp các tổ chức thiết lập chức năng KTNB tại đơn vị của mình một cách hiệu quả.
Hội thảo đã nhận được sự chia sẻ của 3 diễn giả với nội dung rất hữu ích. Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính, với chủ đề “Yêu cầu tuân thủ chính của Thông tư 08; giải pháp DN cần chuẩn bị để triển khai KTNB thành công – góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước”; Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó TGĐ – Trưởng bộ phận tư vấn DN, Grant Thornton Việt Nam; Ông Hà Long Giang, Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ IC & D, với chủ đề “Kinh nghiệm từ DN thực tế triển khai KTNB”. Hội thảo đã đón nhận gần 500 người tham dự và gần 20 câu hỏi cho diễn giả. Đây là nội dung được rất nhiều DN quan tâm.
Trên thế giới KTNB đã có mặt từ rất lâu, đóng vai trò quan trọng ở cả khu vực công và tư.
Đối với khu vực tư, KTNB chiếm lĩnh vị trí rất quan trọng trong bộ máy hoạt động kinh doanh của DN, đóng vai trò là người bảo vệ giá trị cho DN, giúp DN nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát cũng như quy trình quản trị. KTNB là một quan sát viên độc lập, nhằm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động của công ty. Kiểm toán nội chịu trách nhiệm phát hiện ra những sai sót trong hoạt động kinh doanh của DN, giữ vai trò là người tư vấn và định hướng cho ban giám đốc và hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro.
Các quan điểm trước đây cho rằng, KTNB chịu trách nhiệm trong việc kiểm toán báo cáo tài chính và tập trung vào công tác kiểm tra kế toán, thông tin tài chính của công ty. Tuy nhiên, quan điểm của KTNB hiện đại đã được mở rộng không còn giới hạn ở công tác kiểm tra báo cáo tài chính mà thêm vào đó là công tác kiểm toán tính hiệu quả, tính tuân thủ của mọi hoạt động cũng như tư vấn cho nhà quản lý hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.
Hầu hết chúng ta khi nhắc đến kiểm toán đều khó phân biệt rạch ròi khái niệm, phạm vi công việc của những chuyên viên KTNB. Vậy đâu là sự khác biệt giữa kiểm toán độc lập và KTNB?
Trong khi kiểm toán độc lập sẽ báo cáo cho cổ đông và các bên liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN thì KTNB sẽ báo cáo cho Hội đồng quản trị và các nhà quản lý cấp cao trong cơ cấu hoạt động quản trị của DN.
Về mục tiêu, kiểm toán độc lập có mục tiêu làm tăng thêm sự tin cậy và tín nhiệm của cổ đông và các bên liên quan đến quyền lợi của công ty bằng cách đưa ra các ý kiến độc lập về báo cáo tài chính. Còn KTNB có mục tiêu cung cấp cho Hội đồng quản trị, các quản lý cấp cao sự đảm bảo mà họ có thể sử dụng để thực hiện nhiệm vụ của mình trong DN và các bên liên quan bằng các đánh giá, tư vấn để giúp chủ DN nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro và kiểm soát hoạt động kinh doan của mình.
Về tính trách nhiệm, kiểm toán độc lập không có trách nhiệm trong việc tư vấn và kiểm soát rủi ro cho DN. Kiểm toán độc lập chỉ có trách nhiệm trong việc lập các báo cáo các vấn đề có thể ảnh hưởng đến hệ thống quản trị rủi ro của DN. Còn KTNB có trách nhiệm kiểm soát, đánh giá rủi ro, tư vấn và báo cáo toàn bộ các rủi ro và hệ thống quản trị rủi ro cho DN.
Như vậy có thể thấy, KTNB giúp chủ DN cải tiến những điểm yếu từ hệ thống quản lý và quản trị DN bằng cách phân tích, kiểm tra, giám sát quy trình hoạt động của các phòng ban trong bộ máy kinh doanh, KTNB sẽ đưa ra những lời tư vấn giúp công ty hoạt động năng suất và hiệu quả hơn. Thực tế trên thế giới, các công ty có bộ phận KTNB hoạt động hiệu quả thì khả năng gian lận thấp và hiệu quả kinh doanh cao hơn. Ngày nay, các công ty đã chủ động hơn trong việc xác định rủi ro, nhất là những rủi ro trọng yếu có thể tác động xấu đến hệ thống kinh doanh của họ. Đồng thời họ cũng xây dựng những phương pháp, chương trình, cách thức tiếp cận kiểm toán có hiệu quả hơn.
Tại các nước phương Tây, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của quản trị rủi ro cũng như vai trò của KTNB đã trở nên ngày càng quan trọng. Tại Mỹ, đất nước có thị trường chứng khoán rất phát triển thì KTNB là bộ phận bắt buộc phải có và luật Sarbenes – Oxley ra đời năm 2002 cũng quy định rõ tất cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty.Trong mô hình 3 tuyến phòng thủ được đưa ra bởi Viện Kiểm toán viên Nội bộ Hoa Kỳ (IIA), KTNB là tuyến thứ 3 để hỗ trợ HĐQT và Ban điều hành giám sát các hoạt động của DN, giúp các DN đạt được các mục tiêu đề ra.
Trong khi KTNB từ lâu đã là một trong các chức năng được công nhận rộng rãi trong các mô hình quản trị tốt ở thế giới thì Ở Việt Nam, chức năng KTNB mới phát triển, chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng và một số DN. Thực tế hiện nay, hoạt động KTNB tại Việt Nam nói chung còn khá mờ nhạt do nhiều chủ DN tại Việt Nam chưa nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ và chức năng của KTNB trong hoạt động kinh doanh của DN. Lĩnh vực KTNB vẫn chưa thực sự thu hút được nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đi kèm với đó là nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nội dung kiểm toán cụ thể là các chương trình kiểm toán mẫu áp dụng cho loại hình KTNB chưa được ban hành.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019, ngày 22/01/2019 về KTNB. Nghị định này mở ra một cơ hội tốt nhằm tăng cường và hoàn thiện các hoạt động quản trị tại DN nhưng cũng đồng thời là một thách thức do mô hình KTNB còn khá mới đối với các DN ở Việt Nam. Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty được ban hành bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vào ngày 13/8/2019 khuyến nghị Hội đồng Quản trị cần thành lập chức năng KTNB để có đảm bảo khách quan và tư vấn độc lập nhằm gia tăng giá trị và cải tiến hoạt động của tổ chức. Để triển khai hoạt động KTNB, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 08/2021, ngày 25/01/2021 về chuẩn mực KTNB Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB với hiệu lực thi hành từ 01/04/2021.
Thay mặt CLB Kế toán trưởng toàn quốc, Ông Trịnh Đức Vinh, Chủ nhiệm đã có bài khai mạc và tổng kết hội thảo. Ông Vinh trân trọng cảm ơn các diễn giả có bài chia sẻ tâm huyết và hữu ích, cảm ơn Bộ Tài chính và ACCA – đối tác truyền thống của CLB đã hỗ trợ tổ chức hội thảo một cách rất hiệu quả, và đặc biệt xin cảm ơn sự tham dự của các quý vị đại biểu, những người làm nên thành công của hội thảo này.
PV