Kỳ sinh hoạt lần thứ 4/2021 của CLB Kế toán trưởng toàn quốc
Kỳ sinh hoạt lần thứ 4/2021 của CLB Kế toán trưởng toàn quốc với chủ đề “các tình huống lập và trình bày BCTC, BCTC hợp nhất theo Thông tư 200 và Thông tư 202 của Bộ Tài chính”.
Với mong muốn cập nhật những kiến thức cần thiết, giải đáp và hỗ trợ cho nhân sự kế toán khi lập Báo cáo tài chính, báo cáo tài chính hợp nhất trong các doanh nghiệp. Ngày 13/6/2021, tại Học viên Tài chính, CLB Kế toán trưởng toàn quốc tổ chức kỳ sinh hoạt lần thứ 4 năm 2021 với sự phối hợp với Bộ Tài chính, Học viện Tài chính, Tổ chức Đào tạo Smart Train, HQ Protrain và Tạp chí Kế toán & Kiểm toán tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “các tình huống lập và trình bày BCTC, BCTC hợp nhất theo Thông tư 200 và Thông tư 202 của Bộ Tài chính”.
Các chuyên gia đầu ngành chủ tọa buổi giao lưu, gồm:
- Ông Trịnh Đức Vinh - Chủ nhiệm CLB KTT toàn quốc; Phó Cục trưởng - Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán, Bộ Tài chính; Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam;
- Bà Phạm Thị Loan - Trưởng phòng chế độ Kế toán doanh nghiệp - Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán, Bộ Tài chính;
- PGS.TS Mai Ngọc Anh - Trưởng khoa Kế toán, Học viện Tài chính.
Buổi chia sẻ có số lượng người tham gia trên nền tảng zoom 778 người, số lượt xem trên fanpage trên 16.000 lượt, số lượng chia sẻ trang là 261 lượt.
Phát biểu khai mạc tại buổi chia sẻ, Ông Trịnh Đức Vinh - Chủ nhiệm CLB KTT toàn quốc cho rằng, việc lập và trình bày BCTC, BCTC hợp nhất luôn là một chủ đề “nóng” và có sức lan tỏa rộng lớn đến xã hội, đến những người làm công tác tài chính kế toán. Với mong muốn hỗ trợ người làm công tác kế toán, tài chính trên toàn quốc trong quá trình lập và trình bày BCTC, BCTC hợp nhất, CLB Kế toán trưởng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến để những người làm nghề kế toán tài chính có cơ hội chia sẻ, thảo luận về những tình huống vướng mắc trong quá trình lập BCTC, BCTC hợp nhất. Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi gửi đến chương trình và tổng hợp, lựa chọn các câu hỏi, vấn đề tiêu biểu để giao lưu, chia sẻ trong chương trình.
Các tình huống được đặt ra rất nhiều nhưng tập trung chủ yếu vào cách lập và trình bày BCTC và BCTC hợp nhất như: Sự khác biệt giữa chi phí kế toán và chi phí tính thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại; Cách trình bày lợi thế thương mại trên BCTC hợp nhất; các vấn đề xử lý đối với chi phí đi vay và tỷ giá hối đoái; Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất; cách lập và các lưu ý quan trọng khi lập BCTC hợp nhất; Những điểm khác biệt cần lưu ý giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực lập BCTC quốc tế (IFRS); các kỹ thuật phát hiện sai sót trên BCTC hợp nhất; Cách xác định và lập các chỉ tiêu về khoản dự phòng và dự phòng phải trả trên BCTC; Sự khác biệt giữa chi phí phải trả và dự phòng phải trả; BCTC hợp nhất đối với mô hình tổng công ty nhà nước; Ý nghĩa của BCTC hợp nhất đối với công ty mẹ; sự khác biệt giữa chỉ tiêu cổ phiếu quỹ trên BCTC hợp nhất và BCTC riêng. Ngoài ra cũng có một số tình huống cụ thể về xử lý kế toán như nguyên tắc ghi nhận doanh thu theo nghĩa vụ thực hiện; xử lý kế toán đối với chi phí cải tạo mặt bằng đi thuê được ghi nhận là chi phí trả trước hay tài sản cố định…
Là diễn đàn nêu lên tiếng nói của người làm công tác tài chính, kế toán kiểm toán, dưới sự bảo trợ của Bộ Tài chính, Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc hoạt động với tiêu chí tất cả vì lợi ích của hội viên. CLB thường xuyên tổ chức các sự kiện, các kỳ sinh hoạt giúp các hội viên có sân chơi để giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau kết nối nghề nghiệp, hướng tới tương lai. CLB sẽ thường xuyên tổ chức giao lưu chia sẻ, hội thảo chuyên môn hữu ích và thiết thực đối với người làm nghề. Xứng đáng là tổ chức tiền thân và nòng cột của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
PV