Bàn về chuẩn mực kế toán tài chính môi trường
Bàn về chuẩn mực kế toán tài chính môi trường
Trình Quốc Việt*
* Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM
Sự gia tăng các hoạt động kinh tế và sự tác động của các hoạt động của doanh nghiệp đến môi trường tạo ra, đã làm cho vấn đề môi trường ngày càng trở nên quan trọng. Kế toán, với vai trò cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng, đang đứng trước áp lực phải thể hiện được các thông tin về môi trường trong các báo cáo của mình.
Mục tiêu của bài báo này là để xem xét, liệu các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) có thể đóng góp vào việc giám sát và bảo vệ môi trường hay không thông qua việc phân tích các nội dung của từng chuẩn mực. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù không có chuẩn mực kế toán dành riêng cho các vấn đề về môi trường nhưng có nhiều lưu ý trực tiếp và gián tiếp về chủ đề này trong các chuẩn mực kế toán khác nhau.
Từ khóa: Kế toán môi trường, kế toán tài chính môi trường, IAS, IFRS
Abstract:
The increase in economic activity and the environmental impact of business activities has made the environmental issue increasingly important. Accounting, in the role of providing useful information to users, are facing the pressure to present information about the environment in their reports.
The purpose of this paper is to examine whether International Accounting Standards (IAS/IFRS) can contribute to environmental monitoring and protection through analysis of the content of each of these standards. Research shows that, although there are no specific standards for environmental issues, there are many direct and indirect remarks on this topic in different accounting standards.
Keywords: Environmental accounting, financial and environmental accounting, IAS, IFRS
1. Giới thiệu
Trước đây, kế toán môi trường là một chủ đề ít được chú ý. Ngày nay, thuật ngữ này liên quan đến một loạt các hoạt động rộng rãi và đa dạng. Kế toán, ở cấp độ tổ chức, có thể được định nghĩa là việc thu thập và tổng hợp thông tin cho những người ra quyết định bên trong nội bộ (nhà quản trị) và bên ngoài (nhà đầu tư, cơ quan quản lý, người cho vay và công chúng). Thường có hai hệ thống kế toán trong một doanh nghiệp (DN): Hệ thống kế toán tài chính, tập trung vào thông tin tiền tệ và được quy định bởi luật pháp, chuẩn mực và hướng dẫn ở cấp quốc gia và quốc tế, hệ thống kế toán này chủ yếu phục vụ cho người dùng bên ngoài và kế toán quản trị, liên quan đến thông tin tiền tệ và phi tiền tệ, hệ thống kế toán này chủ yếu phục vụ cho nội bộ DN. Mặc dù hai hệ thống kế toán có những đặc diểm khác nhau, phục vụ cho các mục tiêu khác nhau nhưng chúng vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Các vấn đề môi trường đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực hoạt động của con người trên toàn cầu. Sự gia tăng các hoạt động kinh tế và những thách thức ngày càng tăng, do các hoạt động tác động đến môi trường của DN đã làm cho hệ thống kế toán có nhiều thay đổi. Các mối quan tâm về môi trường trở thành trọng tâm hơn, chúng cần phải được đưa vào các hệ thống kế toán. Điều này sẽ thúc đẩy hành vi của DN theo hướng liên kết vấn đề quản trị môi trường với hoạt động kinh doanh và việc ra quyết định của nhà quản trị. Sự cần thiết của việc liên kết dữ liệu môi trường với hệ thống kế toán, đã ủng hộ sự ra đời của kế toán môi trường như một tập hợp con của các hệ thống kế toán nói chung.
Ở khía cạnh DN, có hai động lực cơ bản thúc đẩy DN quan tâm đến các loại dữ liệu kết quả hoạt động môi trường có thể được coi là các loại kế toán khác nhau: Thứ nhất là, nhu cầu ngày càng tăng từ các bên liên quan đến các vấn đề môi trường; Thứ hai, vì mục đích thông tin nội bộ. Tập hợp thông tin liên quan đến các vấn đề môi trường trong một hệ thống, sẽ cho phép nhà quản trị giải quyết tốt hơn các mối quan tâm về môi trường trong quá trình ra quyết định.
Dựa trên sự xác định và tách biệt giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, có thể phân chia kế toán môi trường thành hai loại:
- Kế toán tài chính môi trường (EFA): Nhằm mục đích báo cáo cho bên ngoài về các lợi ích tài chính và các vấn đề môi trường trong các báo cáo môi trường của DN, hoặc các báo cáo thường niên. EFA được điều chỉnh một phần bởi các chuẩn mực kế toán do các cơ quan chuyên môn khác nhau ban hành. Các báo cáo tài chính (BCTC) truyền thống cũng có đề cập đến vấn đề môi trường và trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động của DN.
- Kế toán quản trị môi trường (EMA): “Là việc quản trị hoạt động kinh tế và môi trường, thông qua việc phát triển và thực hiện các hệ thống và thông lệ kế toán phù hợp liên quan đến môi trường. Mặc dù điều này có thể bao gồm việc báo cáo và kiểm toán ở một số công ty, kế toán môi trường thường bao gồm chi phí chu kỳ sống, kế toán chi phí toàn bộ, đánh giá lợi ích và lập kế hoạch chiến lược để quản lý môi trường” (IFAC, 1998). EMA nhằm mục đích cho phép thực hiện các hành động quản trị để làm giảm các tác động và chi phí môi trường, do đó nó là một công cụ để kiểm soát và quản trị chi phí môi trường nhằm tạo mối tương quan tích cực giữa hoạt động kinh tế và môi trường.
2. Tầm quan trọng của kế toán tài chính môi trường
Kế toán tài chính môi trường xử lý các vấn đề về kế toán, báo cáo về các giao dịch và sự kiện môi trường có khả năng ảnh hưởng đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động của DN. Các quy định của pháp luật về môi trường đã khiến các DN phải thực hiện các hành động liên quan đến môi trường, những hành động này có thể gây tốn kém và dẫn đến hậu quả tài chính đáng kể cho các DN. Bên cạnh đó, nhiều DN đã không báo cáo đầy đủ các thông tin này cho các bên liên quan. Điều này có nghĩa là, một số lượng lớn các bên liên quan đã không nhận được thông tin liên quan đến nhu cầu ra quyết định của họ.
Các vấn đề môi trường có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của DN và những thay đổi đạt được thành công trong dài hạn. Vấn đề mới này cần được xem xét trong hệ thống kế toán tài chính, BCTC và trong các phân tích tài chính hiện đại vì chúng ảnh hưởng đáng kể đến rủi ro và cơ hội của các DN. Trong những tình huống đặc biệt, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của DN.
Thị trường tài chính phản ứng với các tác động môi trường của một DN, ngay khi các tác động đó trở thành quan trọng đối với DN. Các nhà phân tích tài chính chỉ đánh giá và xem xét các rủi ro và cơ hội tài chính do môi trường gây ra nếu họ có thông tin đáng tin cậy và có thể so sánh được. Do đó, việc công bố các dữ liệu môi trường trong các báo cáo hàng năm, có thể ảnh hưởng đến sự nhận thức về lợi nhuận và dòng tiền của DN.
3. Chuẩn mực kế toán quốc tế và các vấn đề môi trường
Kế toán môi trường là sự bổ sung để đo lường kết quả hoạt động môi trường tự nhiên của các tổ chức. Nó là một khuôn khổ để xác định, tính toán và diễn giải một cách có hệ thống các thước đo hiện có, làm nổi bật sự đóng góp của kế toán vào các thước đo hoạt động môi trường. Các nguyên tắc và thực hành kế toán môi trường chủ yếu được sử dụng, để xác định chính xác hơn chi phí môi trường cho các vấn đề cụ thể. Thông tin về môi trường của DN được thể hiện trong BCTC, thông qua hệ thống kế toán tài chính môi trường.
BCTC được lập và trình bày cho người sử dụng bên ngoài tổ chức, nó đã được mở rộng sang BCTC môi trường trong DN có các hoạt động nhạy cảm với môi trường. BCTC môi trường bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến việc trình bày thông tin môi trường tài chính và phi tài chính. Kế toán tài chính môi trường cung cấp các dữ liệu về các sự kiện tài chính được thu thập, phân tích, ghi chép và báo cáo. Điều này được thể hiện trong các chuẩn mực kế toán cụ thể được ban hành bởi các tổ chức nghề nghiệp quốc gia và quốc tế. Các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) hướng dẫn cho việc lập và trình bày các thông tin trên BCTC và các báo cáo bổ sung khác. Trọng tâm của IFRS là hướng đến việc thống nhất trên toàn cầu về việc xử lý và trình bày các thông tin trên các báo cáo kế toán. Sau đây là mô tả ngắn gọn về các IAS/ IFRS giải quyết các vấn đề môi trường trong các chuẩn mực.
IAS 1 “Trình bày BCTC”
Mục tiêu của chuẩn mực này là quy định cơ sở để trình bày BCTC cho mục đích chung, đảm bảo tính so sánh được với BCTC của đơn vị trong các kỳ trước và với BCTC của các đơn vị khác. Chuẩn mực đưa ra các yêu cầu tổng thể đối với việc trình bày BCTC, hướng dẫn về cấu trúc và các yêu cầu tối thiểu về nội dung của chúng. Điều này cho thấy rằng, tất cả các rủi ro tài chính phải được công bố. Rủi ro môi trường cũng không ngoại lệ và sẽ được xử lý theo cách tương tự như tất cả các khoản doanh thu, chi phí, tài sản và nợ phải trả khác. Chuẩn mực yêu cầu tất cả các chính sách kế toán trọng yếu, phải được công bố trong thuyết minh BCTC. Với tầm quan trọng ngày càng tăng của các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến nhiều DN, có thể cần phải xem xét cách thức xử lý các khoản nợ môi trường và tài sản suy giảm. Đối với các DN hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm với môi trường, chẳng hạn như công nghiệp hóa chất, hoặc nắm giữ quỹ đất lớn, việc công bố các chính sách kế toán cụ thể là cần thiết. Chuẩn mực khuyến khích các đơn vị cung cấp các thông tin tài chính và phi tài chính khác có liên quan ngoài BCTC. Thông tin này có thể ở dạng báo cáo môi trường hoặc các báo cáo bổ sung khác. Chuẩn mực tuyên bố “Các DN được khuyến khích trình bày các báo cáo bổ sung nếu ban giám đốc tin rằng chúng sẽ hỗ trợ người sử dụng thông tin đưa ra các quyết định kinh tế”.
IAS 8 “Chính sách kế toán, sự thay đổi trong ước tính kế toán và các sai sót”
Chuẩn mực này được áp dụng trong việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán, hạch toán các thay đổi trong ước tính và phản ánh sửa chữa các sai sót của kỳ trước. Nó cung cấp cho các đơn vị hướng dẫn về quy trình phải tuân thủ khi lựa chọn các chính sách kế toán được sử dụng trong việc lập BCTC và cách thức các đơn vị phải xử lý khi có sự thay đổi trong chính sách kế toán. Phạm vi của chuẩn mực này bao gồm các sai sót cơ bản, điều chỉnh hồi tố BCTC, thời điểm và cách thức xử lý, sửa chữa các sai sót hoặc sai sót trọng yếu. Do tính chất không chắc chắn vốn có trong hoạt động kinh doanh, nhiều khoản mục trong BCTC không thể đo lường chính xác mà chỉ có thể ước tính. Ước tính liên quan đến các phán đoán, dựa trên thông tin đáng tin cậy hiện có mới nhất. Ví dụ, ước tính có thể được yêu cầu cho dự phòng chi phí dọn dẹp, dự phòng cho các chi phí liên quan đến môi trường khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, khí độc và vật liệu thải nguy hại, dự phòng mua thiết bị kiểm soát ô nhiễm.
IAS 10 “Các sự kiện phát sinh sau kỳ báo cáo”
Chuẩn mực này yêu cầu các sự kiện phát sinh sau khi kết thúc kỳ báo cáo phải được điều chỉnh trong BCTC. Các sự kiện cần điều chỉnh là những sự kiện cung cấp bằng chứng về các điều kiện tồn tại vào cuối kỳ báo cáo, trong khi các sự kiện không cần điều chỉnh là dấu hiệu của các điều kiện phát sinh sau kỳ báo cáo. Những sự kiện này có thể gây tác động đến môi trường nên cần được mô tả cùng với các nguyên nhân đã tạo ra chúng. Ngay sau khi kết thúc kỳ BCTC năm, một đơn vị có thể biết được một sự cố ô nhiễm, ví dụ như rò rỉ hóa chất mà không bị phát hiện trong một thời gian (trước ngày kết thúc kỳ kế toán năm). Do điều này liên quan đến một điều kiện tồn tại trước ngày lập bảng cân đối kế toán nên khi đánh giá được các tác động tài chính thì các tài khoản vào báo cáo phải được điều chỉnh để ghi nhận sự kiện này. Ngoài ra, các tác động của sự cố môi trường, ví dụ như sự cố tràn dầu ngoài khơi, xảy ra sau ngày lập bảng cân đối kế toán sẽ không được ghi nhận nhưng nếu các sự kiện không điều chỉnh này là trọng yếu và việc không công bố có thể ảnh hưởng đến người sử dụng thì đơn vị phải công bố bản chất của sự kiện và ước tính về ảnh hưởng tài chính của sự kiện đó, hoặc công bố rằng không thể thực hiện ước tính đó.
IAS 16 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”
Chuẩn mực này cung cấp một số hướng dẫn về xử lý chi phí môi trường liên quan đến tài sản, nhà máy và thiết bị. Chuẩn mực này cho phép các chi phí sau ghi nhận ban đầu được liên quan đến bất động sản, nhà xưởng và thiết bị được vốn hóa khi chúng có nhiều khả năng đem lại các lợi ích kinh tế trong tương lai cho đơn vị. Ví dụ, một nhà sản xuất hóa chất có thể phải lắp đặt thêm các quy trình xử lý hóa chất mới để tuân thủ các yêu cầu về môi trường, đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn môi trường hoặc giảm phát thải thì câu hỏi đặt ra là tài sản này có mang lại lợi ích kinh tế tương lai cho DN không vì đơn giản chỉ là đầu tư theo yêu cầu của pháp luật. Vì vậy, nếu xét đến điều kiện này thì tài sản đó có thể không được coi là tài sản nhưng nếu không có tài sản này, DN sẽ không thể tiếp tục sản xuất và bán hóa chất theo quy định của pháp luật. Nếu DN mua tài sản này, DN có thể tiếp tục các hoạt động của mình mà không bị bất kỳ một hạn chế nào. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng tài sản này mang lại lợi ích kinh tế tương lai, do đó nó có thể được coi là tài sản theo quy định của chuẩn mực.
Chuẩn mực cũng quy định, tại thời điểm ghi nhận ban đầu, đơn vị cần ước tính tất cả các chi phí liên quan đến việc tháo dỡ, di dời và khôi phục địa điểm đặt tài sản. Những chi phí này được vốn hóa vào tài sản theo hiện giá. Ví dụ như khi xây dựng giàn khoan dầu, nếu có những quy định liên quan đến việc tháo dỡ giàn khoan sau khi sử dụng nhằm mục đích bảo vệ môi trường, lúc này đơn vị phải vốn hóa những chi phí trên vào giá trị của giàn khoan và chấp nhận đây là một phần chi phí liên quan đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Những chi phí này sẽ được khấu hao theo thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
IAS 20 “Kế toán các khoản trợ cấp và công bố các khoản hỗ trợ của Chính phủ”
Chuẩn mực này đề cập đến các khoản trợ cấp và hỗ trợ của chính phủ. Theo chuẩn mực này, bất kỳ khoản hỗ trợ phát thải nào từ chính phủ phải được coi là trợ cấp từ chính phủ. Tuy nhiên, chuẩn này quy định rằng các khoản trợ cấp của chính phủ, bao gồm các khoản trợ cấp phi tiền tệ theo giá trị hợp lý, sẽ không được ghi nhận cho tới khi có sự đảm bảo hợp lý là: (a) Đơn vị sẽ tuân thủ các điều kiện gắn liền với các khoản trợ cấp đó; và (b) Các khoản trợ cấp sẽ nhận được. Kế toán các khoản tài trợ của chính phủ bao gồm một tham chiếu ngầm đến việc phân phối ban đầu các quyền phát thải và việc ghi nhận chúng trong BCTC.
IAS 36 “Tổn thất tài sản”
Chuẩn mực này xử lý sự suy giảm giá trị của tài sản. Chuẩn mực này có sự tiếp cận đối với sự suy giảm liên quan đến môi trường của tài sản cố định hữu hình và vô hình nếu giá trị có thể thu hồi của tài sản giảm xuống thấp hơn giá trị ghi sổ của tài sản. Sự mất mát do suy giảm giá trị này được coi như là một tổn thất. Suy giảm giá trị là một sự kiện làm giảm giá trị của tài sản cố định. Điều này có thể là do sự cố về môi trường hoặc sự thay đổi luật pháp môi trường. Các tài sản đó nên được ghi giảm giá trị ngay lập tức, để phản ánh tình hình môi trường. Khoản lỗ giảm giá phải được ghi nhận vào tài khoản lãi và lỗ. Các công ty có thể bắt buộc loại bỏ các tài sản này, bởi những hoạt động của nó có thể tạo ra những tác động có hại đến môi trường. Do đó, các tổ chức kinh doanh sẽ có những lựa chọn thay thế khoa học cho các tài sản bị suy giảm. Khi xác định giá trị hợp … (lý?) trừ chi phí bán, giá trị sử dụng và giá trị còn lại của tài sản để xác định giá trị có thể thu hồi cần tính đến chi phí dự phòng cho việc khôi phục môi trường.
IAS 37 “Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng”
Chuẩn mực này quy định rằng, ba điều kiện phải được đáp ứng trước khi một khoản dự phòng có thể được ghi nhận: (a) Đơn vị có nghĩa vụ nợ hiện tại (pháp lý hoặc ngầm định) như là kết quả của sự kiện trong quá khứ; (b) Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra do việc thanh toán nghĩa vụ nợ; và (c) Giá trị của nghĩa vụ nợ đó có thể được ước tính một cách đáng tin cậy. Vì vậy, trong trường hợp các hoạt động của một DN đã tạo ra ô nhiễm môi trường, DN có thể không có nghĩa vụ pháp lý để loại bỏ ô nhiễm đó. Tuy nhiên, theo IAS 37, các khoản dự phòng có thể được thực hiện cho dù không có nghĩa vụ pháp lý nhưng có nghĩa vụ ngầm định nếu DN hành động theo cách có trách nhiệm với môi trường. IAS 37 quy định rằng nghĩa vụ phải phát sinh từ sự kiện đã qua. Vì vậy, dự phòng chỉ có thể được thực hiện đối với tổn thất môi trường đã xảy ra, không cần lập dự phòng cho số tiền mà DN dự định chi để ngăn chặn tác hại môi trường trong tương lai. Dự phòng về sự giảm sút các lợi ích kinh tế phải được thực hiện để đáp ứng nghĩa vụ khi có thể đưa ra các ước tính đáng tin cậy và có nghĩa vụ phải thực hiện. Ví dụ, các trách nhiệm môi trường như chất thải nguy hại và phát thải chất ô nhiễm có thể khó dự báo vì không chắc chắn về thời gian hoặc giá trị hoặc cả hai. Trong trường hợp không thể đưa ra các ước tính đáng tin cậy, vẫn phải công bố trong bản thuyết minh BCTC.
IAS 38 “Tài sản vô hình”
Chuẩn mực này xử lý tài sản vô hình cũng có một số vần đề liên quan đến báo cáo môi trường. Để giảm phát thải, Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập chương trình giới hạn và phát thải thương mại, một phản ứng dựa trên thị trường đối với việc giảm phát thải được thiết lập theo Hiệp ước Kyoto. Theo chương trình này có hiệu lực từ ngày 01/01/2005, các tổ chức có phát thải carbon được phân bổ quyền phát thải thông qua một quy trình phân bổ phức tạp. Các DN được yêu cầu duy trì lượng phát thải tổng thể theo quyền phát thải được phân bổ này. Bất kỳ DN nào phát ra nhiều hơn quyền phát thải được phân bổ thì phải mua thêm quyền phát thải bằng cách thực hiện một số khoản thanh toán theo Chương trình giao dịch khí thải của châu Âu (ETS), nếu không phải trả tiền phạt. Các DN phát thải ít hơn quyền phát thải được phân bổ thì có thể bán các quyền này. Điều này cung cấp cho các DN giải pháp tài chính trực tiếp để giảm mức phát thải. Do đó, ETS đã trở thành một thị trường sôi động để mua và bán các quyền phát thải. Chuẩn mực này xem xét việc ghi nhận và đo lường các quyền phát thải đó. DN phải ghi nhận quyền phát thải đã mua theo giá gốc và trong trường hợp quyền phát thải nhận được từ chính phủ thấp hơn giá trị thị trường hợp lý, các quyền này có thể được thể hiện theo giá trị thị trường hợp lý. Sự gia tăng lên trong giá trị hợp lý được báo cáo trong vốn chủ sở hữu và sự giảm xuống trong giá trị được ghi nhận vào lãi và lỗ, trong trường hợp chúng vượt quá thặng dư đánh giá lại.
IAS 41 “Nông nghiệp”
Chuẩn mực này đề cập đến một hoạt động rất nhạy cảm với môi trường trong nông nghiệp. Chuẩn mực quy định việc xử lý, trình bày và công bố hoạt động nông nghiệp, hoạt động này được định nghĩa là “hoạt động quản lý bởi một DN trong lĩnh vực biến đổi sinh học và thu hoạch tài sản sinh học để bán hoặc chuyển đổi thành sản phẩm nông nghiệp hoặc chuyển thành tài sản sinh học phụ”. Tài sản sinh học hoặc nông sản phải được ghi nhận khi và chỉ khi: (a) DN kiểm soát tài sản đó như là kết quả từ các sự kiện trong quá khứ; (b) DN có khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai liên quan đến tài sản; và (c) Giá trị hợp lý hoặc nguyên giá của tài sản có thể được đo lường một cách đáng tin cậy. Theo chuẩn mực này, bất kỳ thay đổi nào về giá trị hợp lý của tài sản sinh học trong năm đều phải được đưa vào báo cáo lãi và lỗ của kỳ mà tài sản đó xảy ra. Những thay đổi về giá trị hợp lý của tài sản thường phát sinh thông qua những thay đổi về nhu cầu thị trường, hoặc thông qua sự thay đổi sinh học của chính tài sản đó. Trong trường hợp nhận được một khoản trợ cấp vô điều kiện của chính phủ liên quan đến tài sản sinh học, thì khoản trợ cấp đó được ghi nhận là thu nhập khi khoản trợ cấp chính thức trở thành khoản phải thu.
IFRS 3 “Hợp nhất kinh doanh”
Chuẩn mực này đưa ra hướng dẫn về các khoản nợ tiềm tàng bao gồm cả các khoản nợ liên quan đến môi trường tồn tại thời điểm hợp nhất kinh doanh trong trường hợp sáp nhập và mua lại. Chuẩn mực này quy định rằng, các tài sản và nợ có thể xác định được trong hợp nhất kinh doanh phải được đánh giá theo giá trị hợp lý của chúng, có thể liên quan đến tác động môi trường của các yếu tố đó. Giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả là giá trị trên thị trường của tài sản hoặc khoản nợ phải trả, hoặc giá trị đó có thể được xác định bằng cách xem xét số tiền mà bên thứ ba trung lập sẽ thanh toán cho cùng một tài sản, hoặc khoản nợ phải trả vào ngày mua. Yêu cầu phải xác định được các vấn đề môi trường và ước tính chi phí, khắc phục để xác định giá trị hợp lý của khoản dự phòng cần thiết cho bất kỳ công việc khắc phục nào liên quan đến các vấn đề môi trường của tài sản mua lại.
IFRS 6 “Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản”
Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản là một ngành công nghiệp rất nhạy cảm với môi trường, vì nó có liên quan đến các hoạt động khai thác. Chuẩn mực này nêu rõ rằng: “Theo IAS 37 - Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng, đơn vị ghi nhận các nghĩa vụ về tháo dỡ và hoàn nguyên trong một giai đoạn cụ thể do kết quả của việc thực hiện thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản”. Theo các quy định của chuẩn mực, một DN có thể coi chi phí thăm dò và đánh giá tài nguyên, khoáng sản là chi phí tạo ta doanh thu hoặc chi phí vốn hóa tùy theo lựa chọn của DN nhưng phải có sự nhất quán theo từng thời kỳ hoặc từng khoản mục. Điều này cho phép, DN linh hoạt trong việc xử lý các khoản mục theo các quy định cụ thể của quốc gia họ. Chuẩn mực này không bao gồm các chi phí phát sinh trước hoặc sau giai đoạn thăm dò và đánh giá. Vì vậy, các DN có thể tuân theo các chính sách về chi tiêu trước và sau thăm dò phù hợp với IAS và IFRS khác.
IFRS 8 “Bộ phận hoạt động”
Chuẩn mực này yêu cầu đơn vị báo cáo thông tin tài chính và mô tả về các bộ phận có thể báo cáo của đơn vị. Các bộ phân có thể báo cáo là các bộ phận hoạt động đáp ứng các tiêu chí cụ thể. Chuẩn mực cũng yêu cầu các DN công bố các sản phẩm, dịch vụ của DN và các khu vực địa lý mà DN đang hoạt động. Chuẩn mực yêu cầu các DN báo cáo mảng hoạt động có doanh thu đạt từ 10% trở lên trong tổng doanh thu. Các quy định này có ý nghĩa đối với các DN có các mảng hoạt động liên quan đến dịch vụ môi trường và bảo vệ môi trường như tái chế, công nghệ xanh và năng lượng sạch,…
4. Kết luận
Các IAS/IFRS thừa nhận tầm quan trọng của kế toán môi trường. Tính bền vững là không thể thiếu của một đơn vị kinh doanh. Tính bền vững chỉ có thể đạt được thông qua bảo tồn môi trường thích hợp. Cách này làm sáng tỏ một tầm nhìn mới về bảo tồn môi trường thông qua kế toán môi trường. Do đó, các chuẩn mực kế toán hiện tại đang cố gắng thực hiện nỗ lực này.
Kế toán môi trường còn được gọi là “kế toán xanh” là yêu cầu về trách nhiệm xã hội của DN. Việc báo cáo các giao dịch tài chính đã được ghi nhận và liên quan đến các hoạt động môi trường, đã trở thành một điều cần thiết. Hoạt động lập BCTC về môi trường đang ngày càng phổ biến. Các tổ chức vẫn được yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin của BCTC môi trường, nhất quán các phương pháp tiếp cận trong việc ghi nhận và đo lường chi phí môi trường, lợi ích môi trường, tài sản môi trường và trách nhiệm pháp lý môi trường. Những điều này phải dựa trên các hướng dẫn có liên quan của các chuẩn mực kế toán do IASB ban hành và các yêu cầu về công bố thông tin môi trường được ban hành bởi các tổ chức khác.
Trên cơ sở từng bước hội tụ với các chuẩn mực kế toán quốc tế, Việt Nam đang cải tiến lại các chế độ kế toán, đặc biệt là các chuẩn mực kế toán theo hướng tuân thủ hoàn toàn với các IAS/IFRS. Điều này đảm bảo một sự chắc chắn rằng, việc nhận thức về các vấn đề môi trường của nhà quản trị DN sẽ được nâng cao và chất lượng thông tin của BCTC môi trường sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tài liệu tham khảo
- American Instituteof Certified Public Accounting. (1977). “The measurement of corporate social performance: determinining the impact of business action on areas of concern”.
- Ball, R. 2006. “International Financial Reporting Standards (IFRS): pros and cons for investors”. Accounting and Business Research 36, 5-27.
- Byard, D., Y. Li, and Y. Yu. (2011). “The effect of mandatory IFRS adoption on financial analysts information environment”. Journal of Accounting Research.
- Deegan, C and Gordon, B (1996). “A study of the environmental disclosure practices of Australian corporations”. Accounting and Business Research.
- Firoz Mohammad and Ansari A Aziz. (2010). “Environmental Accounting and IFRS”. http://ssrn.com abstract 1715436.
- Hess, D. W. (2008). “The Three Pillars of Corporate Social Reporting as New Governance Regulation: Disclosure, Dialogue and Development”.
- International Federation of Accountants (1998). “International Guidelines on Environmental
Management Accounting: Exposure Draft”. New York
- International Financial Reporting Standards (2020). http://www.iasb.org;
- Lundholm, R. (2003). “Historical accounting and the endogenous credibility of current disclosures”. Journal of Accounting, Auditing and Finance 18, 207–229.
- Negash, M (2012). “IFRS and Environmental Accounting”. http://ssrn.com abstract 1516837.